Hành trình kỳ lạ Phúc_Âm_Miroslav

Nơi cất giữ Phúc Âm thư trước kia là Bijelo Polje, cách Beograd đang bảo tồn sách ngày nay 332 km. Trải qua bảy thế kỷ rưỡi đến được Beograd, cuốn sách phải trải qua chặng đường hơn 15.000 km. Nhờ hành trình kéo dài hàng thế kỷ này, giống như một nhân chứng thầm lặng của lịch sử Serbia, Phúc Âm thư Miroslav thoát khỏi số phận của nhiều cuốn sách khác đã bị đánh cắp hoặc bị thiêu hủy.[6]

Tu viện Hilandar

Không rõ vào thời điểm nào, sách được chuyển từ Nhà thờ Thánh Phêrô và Phaolô đến Tu viện Hilandar trên núi Athos. Có ý kiến cho rằng lúc ấy là thế kỷ 17, cùng thời với Bản điều lệ thành lập tu viện.[13]

Các nhà nghiên cứu Serbia biết đến Phúc Âm Miroslav tương đối muộn màng, khoảng nửa sau thế kỷ 19. Năm 1891, Ljubomir Stojanović, chuyên gia hàng đầu về ngôn ngữ và văn học Slav cổ, đến thăm Tu viện Hilandar với mục đích nghiên cứu cuốn sách này. Bất chấp sự cản trở của các tu sĩ Bulgaria, giáo sư Stojanović tiếp cận được với cuốn sách, nghiên cứu một phần và có bài viết đầu tiên về Phúc Âm Miroslav.[6]

Tờ số 166

Khoảng mùa đông 1845-1846, tổng giám mục Porfiry Uspensky đến thăm Hilandar. Ông bí mật cắt trộm một tờ ra khỏi sách (tờ số 166; số trang 330-331) và chuyển nó đến Nga, nơi lưu giữ tờ giấy đó cho đến nay.[14]

Trong suốt 28 năm sau đó, một số bài phê bình viết về "trang sách Phúc Âm của Serbia thế kỷ 12", trong đó dùng những lời tán dương về giá trị và vẻ đẹp của trang sách. Năm 1874, trang sách lần đầu tiên ra mắt công chúng với cái tên "tờ bản thảo Petrogradski" trong triển lãm khảo cổ học ở Kiev. Tại đó, Stojan Novaković, Quản lý Thư viện Quốc gia Beograd lúc bấy giờ, đã chụp ảnh lại trang sách cũng như đặt tên cho cả bản thảo là Miroslavljevo jevanđelje - Phúc Âm Miroslav.[12]

Tờ giấy có nội dung čtenija (bài đọc) thứ 7 (20) Tháng Giêng, dịp lễ Thánh Gioan Tẩy Giả, được trang trí bằng hình ảnh Đại dâm phụ Babylon - ẩn dụ cho Herodias, vợ vua Herodes, kẻ đòi lấy đầu Thánh Gioan. Đó cũng là hình ảnh nữ khỏa thân duy nhất trong toàn bộ bản thảo.[6]

Từ đó đến nay, trang sách này chỉ quay lại Serbia một lần. Mùa xuân năm 2015, nó được trưng bày tại Bảo tàng Vuk và Dositej ở Beograd.[15][16] Tháng 10 năm 2019, một phong trào vận động để Serbia lấy lại tờ bản thảo này.[14] Đổi lại, Serbia sẽ trao cho Nga bảy bức tranh của Nikolai Konstantinovich Roerich đang thuộc sở hữu Bảo tàng Quốc gia Serbia. Điều này dấy lên rất nhiều tranh cãi.[17]

Trở lại Serbia

Năm 1896, trước những nỗ lực không mệt mỏi của các giáo sĩ và nhà khoa học Serbia, vị vua trẻ tuổi Aleksandar Obrenović đến thăm Tu viện Hilandar nhân dịp lễ Phục sinh. Vua đã dâng tặng khoản tiền lớn giúp đỡ tình hình tài chính đang khó khăn của tu viện. Đổi lại, Hilandar tặng cho vua những báu vật của họ: Phúc Âm thư Miroslav và Bản điều lệ thành lập Tu viện Hilandar do Stefan Nemanja (Thánh Simeon) ban hành (văn bản này nay đã thất lạc). Đích thân tu sĩ uyên bác nhất tu viện bấy giờ là Sava Hilandarac trao cho nhà vua. Vua cùng đoàn hộ tống đã giám sát các bản thảo quý giá này về Beograd.

Hai ngày sau khi vua Aleksandar rời Hilandar, một người đàn ông bí ẩn từ Sankt-Peterburg đến tu viện với ý định mua Phúc Âm Miroslav bằng bất cứ giá nào.[6][12]

Xảy ra chính biến vào đêm 28-29 tháng 5 năm 1903, vua Aleksander và hoàng hậu Draga bị hạ sát. Đêm đó, Phúc Âm Miroslav biến mất khỏi két sắt của thư khố và không có tin tức gì suốt 11 năm sau đó. Báo chí Serbia loan truyền để thông tin và truy tìm bảo vật này.[6]

Thế chiến thứ nhất

Năm 1914, trước ngày chiến tranh bùng nổ, Kho bạc Ngân hàng Quốc gia Serbia được sơ tán từ Beograd đến Kruševac. Thủ thư hoàng gia từ Topola trong khi đóng gói sách và tài liệu của vua Petar chuẩn bị di tản, đã tìm thấy cuốn Phúc Âm Miroslav trong một chiếc rương. Biết rõ bảo vật này, ông giao lại nó cho Nhiếp chính Aleksander. Không rõ cuốn sách rơi vào tay vua Petar như thế nào và vào lúc nào.

Cùng với những vật giá trị khác, Phúc Âm Miroslav được đóng gói cẩn thận và chuyển đến Kruševac. Theo tình hình chiến sự, chính phủ Serbia phải di tản liên tục, cuốn sách được Kho bạc di chuyển từ Kruševac đến Niš, KraljevoRaška. Đến năm 1915, sách cũng chạy theo quân đội Serbia rút lui qua Peja, Podgorica, ShkodërShëngjin đến Corfu. Tháng 10 năm 1915, các bộ trưởng Ljuba Davidović và Voja Marinković mang sách đến Raška và giao cho Kế toán trưởng nhà nước A. Lević. Lević lại lệnh cho thủ quỹ kho bạc M. Stevčić đích thân cất giữ.[18]

Sách được cất giữ ở Corfu một thời gian, trong két của Kho bạc Nhà nước, sau đó được giao cho chính phủ Serbia đại diện là Tổng thống Nikola Pasic và Bộ trưởng Stojan Protić. Năm 1918, sau khi chiến tranh kết thúc, chính phủ đưa bảo vật an toàn trở về Beograd.[6][12]

Thế chiến thứ hai

Giữa hai cuộc chiến tranh thế giới, Phúc Âm Miroslav vẫn thuộc quyền sở hữu của gia tộc Karađorđević, bất chấp quyết định năm 1903 của Bộ Giáo dục yêu cầu bàn giao để lưu giữ an toàn trong Thư viện Quốc gia Serbia. Năm 1935, hoàng thân Pavle Karađorđević hiến nó vào bảo tàng cá nhân của mình. Chính nhờ vậy mà bản thảo thoát khỏi số phận hủy diệt do vụ đánh bom ngày 6 tháng 4 năm 1941. Khi ấy, Thư viện Quốc gia ở Kosančićev Venac bị san bằng cùng với hàng trăm bản thảo giấy tờ thời trung cổ, gần 50.000 bộ tạp chí, báo và khoảng 350.000 cuốn sách bị đốt cháy.

Ngay khi tiến vào Beograd, quân Đức bắt đầu tìm kiếm Phúc Âm Miroslav và các di vật giá trị khác. Năm 1940, sách được giao cho Ngân hàng Quốc gia Serbia để bảo quản an toàn. Vào đầu chiến tranh, sách được chuyển đến một chi nhánh ở Užice. Vì sợ quân Đức phát hiện, bản thảo được đưa đến Tu viện Rača gần đó và giấu dưới bệ thờ. Tu viện Rača bị cướp phá và đốt cháy nhiều lần từ năm 1941 đến năm 1943, nhưng Phúc Âm Miroslav không bị phát hiện và cũng không bị hư hại. Lo sợ rằng cuốn sách sẽ bị lấy cắp, tu viện trưởng đã trả lại nó cho Chi nhánh Ngân hàng Quốc gia tại Užice. Năm 1943, giám đốc chi nhánh bí mật chuyển Phúc Âm Miroslav về tòa nhà Ngân hàng Quốc gia tại Beograd. Một câu chuyện lưu truyền rằng, sách được đặt lẫn với các sổ sách kế toán khác trong hầm và đã qua mặt được lính Đức lục soát mà không quan tâm động đến.[6][12]

Thời hiện đại

Ấn bản ảnh chụp Phúc Âm Miroslav, phát hành năm 2020

Sau khi giải phóng Beograd, Phúc Âm Miroslav được giao cho Bộ Giáo dục đứng đầu là Vladislav S. Ribnikar. Năm 1945, một ủy ban được thành lập để xác định tình trạng bản thảo cũng như bàn giao về Bảo tàng Nghệ thuật tức Bảo tàng Quốc gia Beograd ngày nay, với số danh mục đăng ký là 1536. Phúc Âm Miroslav được trưng bày ở đó trong điều kiện không phù hợp. Đến năm 1966, sách mới được đưa vào lưu giữ trong kho Bảo tàng Quốc gia. Từ năm 1985, thỉnh thoảng sách mới được đem ra triển lãm.

Năm 1998, việc bảo tồn sách chính thức được thực hiện. Ngày nay, Phúc Âm Miroslav được lưu giữ trong một căn phòng đặc biệt tại Bảo tàng Quốc gia Beograd.[6]

Thư viện kỹ thuật số thế giới

Tháng 4 năm 2008, Thư viện Quốc gia Serbia ký thỏa thuận với Thư viện Quốc hội Hoa Kỳ tham gia dự án Thư viện kỹ thuật số Thế giới. Dự án này tham vọng trở thành kho kỹ thuật số về di sản văn hóa thế giới. Phúc Âm Miroslav và tạp chí Zenit là những di sản đầu tiên của Serbia được số hóa vào thư viện này.[19]

Thông tin khác

Tháng 11 năm 2012, Viện hàn lâm Khoa học và Nghệ thuật Croatia tổ chức hội thảo khoa học "Di sản chữ Kirin của Croatia", trong đó có tham luận chứng minh Phúc Âm Miroslav là tác phẩm được viết bằng chữ Kirin của Croatia.[20]

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Phúc_Âm_Miroslav http://www.avantartmagazin.com/kako-je-sacuvano-mi... http://www.miroslavgospelfacsimile.com/index.html http://www.miroslavljevojevandjeljefaksimil.com/is... http://www.hilandar.info/strana.php?strana_id=274 http://www.unesco.org/new/en/communication-and-inf... http://www.unesco.org/new/en/communication-and-inf... http://dais.sanu.ac.rs/bitstream/id/3735/Rodic_Jov... http://solair.eunet.rs/~ecolibri/ http://www.narodnimuzej.rs/zanimljivosti/price-iz-... http://www.doiserbia.nb.rs/img/doi/0350-1361/2012/...